top of page

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SAU QUÁ TRÌNH HÓA TRỊ: MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG

Trị liệu hóa chất hiện nay là một trong những phương pháp phổ biến để điều trị ung thư. Tuy nhiên, trong quá trình truyền hóa chất, người bệnh có thể gặp phản ứng phụ như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, mất ngủ và nhiều phản ứng khác. Để giúp người thân vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng và hiệu quả, đội ngũ bác sĩ taị Trung tâm Chân Trời Mới đã tổng hợp và đưa ra một số lời khuyên quan trọng như sau. cùng tìm hiểu nhé!




1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Trong quá trình hóa trị, việc duy trì chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng để giúp người bệnh phục hồi cơ thể sau khi tiếp xúc với các chất hóa chất.

  • Chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách ăn thực phẩm đã chín, uống nước đã sôi.

  • Nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm thịt, cá, tôm, cua, ngũ cốc, rau xanh và đặc biệt là rau họ cải, hoa quả. Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa chất béo cao. Uống đủ nước và bổ sung nước hoa quả như cam quýt, bưởi hàng ngày.

  • Đối với những người bị loét miệng sau quá trình hóa trị, nên ăn các món mềm, lỏng và tăng số lần ăn trong ngày.

  • Đối với những người bị buồn nôn và nôn sau hóa trị, nên ăn ít hơn hoặc chọn các loại thực phẩm nhẹ như ngũ cốc, phomai, bánh quy... Nên ăn khi đói và uống một ít nước hoặc nước hoa quả mát lạnh.

  • Nên hạn chế sử dụng đậu nành, chất béo động vật, sữa chứa nhiều chất béo, thịt muối, ngâm giấm và thực phẩm cay nóng.

  • Không nên uống cà phê, rượu, bia, thuốc lá, nước có gas và thực phẩm cay nóng.

2. Hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch:

Các liệu pháp hóa trị ảnh hưởng đến tủy xương, làm giảm khả năng sản xuất tế bào bạch cầu, những tế bào quan trọng trong việc tiêu diệt vi khuẩn và duy trì hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, việc duy trì vệ sinh sạch sẽ là rất quan trọng.

  • Rửa tay kỹ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi ngủ.

  • Tắm hàng ngày bằng nước ấm, không cọ rửa da mạnh và lau khô bằng khăn mềm. Hạn chế cọ rửa da khu vực hậu môn sau khi đi vệ sinh.

  • Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch không chứa cồn sau mỗi bữa ăn hoặc khi cảm thấy có nhu cầu.

  • Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, cảm lạnh, thủy đậu...

  • Hạn chế sử dụng các vật sắc nhọn như dao, kim và mang găng tay khi làm vườn hoặc chăm sóc động vật nuôi.

  • Nếu da bị tổn thương, cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và sử dụng các loại thuốc làm lành vết thương.

3. Tập thể dục và rèn luyện thể lực sau hóa trị:

Nhiều người bệnh có thể e ngại việc vận động sau quá trình hóa trị do lo lắng sẽ mệt mỏi và mất sức. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy việc luyện tập phù hợp có thể tăng cường thể chất, cải thiện chức năng miễn dịch, giúp ngủ tốt hơn và nâng cao khả năng tập trung, kiểm soát triệu chứng mệt mỏi. Bạn có thể tham gia những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, nghe nhạc, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè và gia đình.


4. Các lưu ý quan trọng:

  • Tránh lao động nặng và không nên vận chuyển vật nặng, đặc biệt là bên tay đã qua phẫu thuật ung thư vú (đối với bệnh nhân ung thư vú).

  • Giữ ấm cơ thể trong mùa đông và đảm bảo sự thoáng mát vào mùa hè. Trong quá trình điều trị hóa chất, tuyệt đối không nên mang thai.

  • Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp các vấn đề sau đây:

  • Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, lạnh run hoặc ra mồ hôi.

  • Tiêu chảy kéo dài hoặc phân có máu.

  • Buồn nôn hoặc nôn mạnh.

  • Mất khả năng ăn uống.

  • Xuất hiện phát ban hoặc nổi mụn nước trên da.

  • Da và mắt bị vàng.

  • Đau bụng.

  • Nhức đầu nặng hoặc không giảm.

  • Ho nặng hơn theo thời gian.

  • Khó thở hoặc thở hổn hển ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

  • Cảm thấy nóng rát khi đi tiểu.

Để có được thông tin chi tiết và hỗ trợ tốt nhất, luôn luôn liên hệ với bác sĩ và nhân viên y tế chuyên môn. Chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn chăm sóc sau truyền hóa chất một cách an toàn và hiệu quả.



27 views0 comments
bottom of page