"Ruồi bay" là tiếng dân gian thường dùng, nhưng vì phổ biến nên trở thành một từ chuyên môn. Hiện tượng "ruồi bay" (mouches volantes) để chỉ 1 cảm giác khó chịu, vướng mắt, như có vật gì lơ lửng, di động trước mắt, dù cố dụi mắt, quay mặt để xua đuổi đi, nhưng nó vẫn tái hiện trước tầm nhìn. Hiện tượng "ruồi bay" là có thật và cũng hay gặp, nhất là ở người có tuổi nhưng nó không phải là triệu chứng đặc hiệu của một bệnh nào, mà chỉ là một hiện tượng của nhiều tổn hại khác nhau trong mắt.
Cấu trúc của cơ quan thị giác tiếp thu hình vật từ ngoài vào điểm vàng (hoàng điểm) phải đi qua 5 lớp trong suốt, mà từ chuyên môn gọi là "cảnh vực trong suốt" (Milieux transparents) tức là bao gồm lớp giác mạc, thủy dịch, thủy tinh thể, thủy tinh dịch hay pha lê thể và võng mạc. Cả 5 lớp đó đều trong suốt như pha lê. Nếu vì lý do nào đó, xuất hiện 1 vật cản, dù rất nhỏ, ta vẫn cảm nhận thấy ngay trước tầm nhìn, nếu vật đó to ra, nhiều hơn, sẽ gây giảm thị lực, hoặc không nhìn thấy được.
1. Hiện tượng "ruồi bay" là gì? Và có nguy hại hay cấp tính không?
Những vật thể "ruồi" đó có thể là hình chấm, hình vết, riêng lẻ hoặc nối nhau thành từng giải, giống như những cặn rong rêu trong ly nước không trong suốt bình thường. Vì vậy khi liếc mắt hay nhìn thì những vật thể đó di động trước tầm nhìn như đám ruồi bay qua trước mắt.
Hiện tượng này có thể là những nốt, những vệt đục cố định xuất hiện trong thủy tinh thể của bệnh đục thủy tinh thể bắt đầu. Cũng có thể là những nốt vẩn đục trong thủy tinh dịch mà từ chuyên môn gọi là thể chơi vơi (Corps flottants) do các chất Albumin, sợi tơ huyết, chất cholesteron, hoặc hạt sắc tố v.v... của các phản ứng viêm trong nội nhãn của bệnh xuất huyết cũ, bệnh cholesteron trong máu cao, sự thoái hóa sắc tố, hay tổ chức hóa thủy tinh dịch... gây nên.
Như đã nói trên, đây không phải là triệu chứng đặc hiệu của những bệnh nguy hiểm, cấp tính nhưng tất nhiên phải chú ý phát hiện, tìm nguyên nhân để chữa trị kịp thời. Ở người trẻ thì có thể là những bệnh viêm nhiễm ở bán phần sau nhãn cầu, bệnh xuất huyết trong thủy tinh dịch, tổn thương hắc võng mạc hay biến chứng võng mạc trong bệnh cận thị... cần được khám chuyên khoa để được chữa trị đúng phương pháp.
Nhưng ở người có tuổi thì hãy bình tĩnh quan sát, vì có thể là bệnh lý nhưng cũng có thể là hiện tượng sinh lý tuổi già như bắt đầu lão hóa thủy tinh thể, thoái hóa hắc võng mạc tuổi già. Nó xuất hiện từ từ hằng quý, hằng năm theo quá trình phát triển tuổi thọ.
Tuy nhiên những tài liệu gần đây trong y văn thế giới người ta nói nhiều đến bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (THHĐTG) là bệnh đặc hiệu của người cao tuổi, mà đó là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở các nước phát triển Âu Mỹ.
Ở Á châu, mới có tài liệu nói rằng ở Nhật Bản, cách 20 năm nay không có bệnh này, kiểm tra gần đây thấy có sự bùng nổ bệnh võng mạc sắc tố và thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Và chỉ trong 6 năm qua, tăng gấp 2 lần.
Và ở Việt Nam, cũng trong 1 cuộc điều tra năm 1980, có nhận xét bệnh THHĐTG ở ta hiếm gặp. Nhưng trong những năm gần đây, qua các phương tiện trang bị kỹ thuật mới và nhất là mạch ký huỳnh quang, chúng ta đã phát hiện 1 số bệnh THHĐ ở các bệnh nhân cao niên.
Bệnh cũng biểu hiện những dấu hiệu sớm là có vật thể vướng che mắt hoặc nhìn hình biến dạng. Cho nên chúng ta cũng cần lưu ý.
2. Bệnh có chữa trị được không?
Phải tìm đúng nguyên nhân gây ra hiện tượng "ruồi bay" hay vướng mắt và chữa đúng bệnh thì hiện tượng đó sẽ giảm hoặc không phát triển.
Nhưng do nhiều nguyên nhân của bệnh khác nhau, nên trị liệu cũng có nhiều phương pháp: phẫu thuật, phục dược hoặc lý liệu pháp, quang đông, laser liệu pháp. Cũng có nguyên nhân chữa được hoàn toàn như bệnh đục thủy tinh thể, với kỹ thuật mới bằng đường rạch nhỏ, đặt kính nội nhãn (như đã nói trong bài trước), như kỹ thuật cắt dịch kính, cùng với thuốc đưa trực tiếp vào nội nhãn, giải quyết những viêm nhiễm ở bán phần sau nhãn cầu, hoặc dùng thuốc và chế độ kiêng mỡ để giảm cholestéron trong máu v.v... nhưng cũng có những bệnh, về cơ chế bệnh sinh phức tạp, thì khả năng điều trị cũng hạn chế, và chỉ đưa lại phần nào kết quả nếu được chữa trị trong giai đoạn đầu.
3. Vậy có cách nào hạn chế hay dự phòng không?
Theo quan điểm hiện nay trong vấn đề chăm sóc sức khỏe con người không phải chỉ có chữa bệnh, mà là khoa học y học dự phòng.
Cho nên có rất nhiều công trình nghiên cứu về dịch tễ học, xã hội học... để tìm ra những yếu tố nguy cơ, yếu tố ảnh hưởng, tác động của môi trường, kiến thức, và điều kiện, tập tục sinh hoạt của cộng đồng, nhằm tìm ra những biện pháp dự phòng tốt nhất, tăng cường sức khỏe con người, nhất là người cao tuổi để chống lại với bệnh tật.
Ví dụ như bệnh đục thủy tinh thể coi như bệnh đặc hiệu của tuổi già, trước nay không ai nói đến phòng tránh. Nhưng những công trình gần đây người ta cho rằng: có 2 yếu tố: 1 phần là hiện tượng lão hóa, do có sự thay đổi cấu tạo thành phần làm mất tính chất trong suốt của thủy tinh thể. Nhưng một phần khác là do những yếu tố bên ngoài tác động: vấn đề rối loạn chuyển hóa các men, vấn đề dinh dưỡng, thiếu các vi chất, thiếu vitamin, vấn đề ảnh hưởng lý hóa: ánh sáng mặt trời, tác động của các tia độc, vấn đề chất độc ngấm dần, tích thiểu nhiều thành đa như thuốc lá, rượu, dùng thuốc tùy tiện lâu ngày v.v... Chính đó là những yếu tố tạo thành bệnh đục thủy tinh thể. Loại trừ được những nguy cơ đó, cũng hạn chế phần nào căn bệnh phát sinh.
Những nghiên cứu khác đối với bệnh THHĐTG, người ta cho là do yếu tố di truyền, sự suy thoái tế bào thần kinh võng mạc người cao tuổi, nhưng vẫn có 1 nguyên nhân rất quan trọng như 1 tác giả đã nói: "yếu tố nguy cơ chắc chắn gắn liền với đời sống nhân dân nước đó, trong đó có hút thuốc lá và thiếu các chất vi lượng và các chất bảo vệ thành mạch...".
Hay cũng trong vấn đề này có bài "Dinh dưỡng chống giảm thị lực tuổi già" 1 tác giả khác đã ghi nhận: Bổ sung các yếu tố thuộc cơ năng dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý có thể tái tạo được chức năng thị giác trước khi tế bào thần kinh bị hủy hoại do tuổi già.
Như vậy, dù là bệnh đặc hiệu của người cao tuổi, vẫn không phải là bệnh không tránh được, nếu có sự hiểu biết về căn bệnh này và dày công rèn luyện thân thể (thể dục, dưỡng sinh...), loại bỏ những yếu tố nguy cơ (rượu, thuốc lá, dùng thuốc men tùy tiện...), cải thiện môi trường và tập quán sống, dinh dưỡng thích hợp (điều độ, chia đều nhiều bữa trong ngày, thanh đạm) dùng nhiều rau quả tươi, thức ăn giàu sinh tố A, B, C và đủ các chất vi lượng, chỗ ở thông thoáng, thở hít khí trời trong lành, đầu óc thảnh thơi, thanh thản. Nói chung là tạo được một cuộc sống thanh đạm nhưng thoải mái, điều độ, vui tươi là có thể phòng tránh hoặc hạn chế được một số bệnh gây giảm thị lực, dù cho bệnh ấy thuộc nguyên nhân nào.
Đó là yếu tố chủ quan mà ta có thể tác động được để bảo vệ sức khỏe cho mắt mình.
Comments